Đại Chiến Bạch Đằng - Phim Hoạt Hình Lịch Sử Đầu Tiên Việt Nam



Ngô Quyền được coi là vị vua đứng đầu các vua của nước ta (theo quan điểm của Đại Việt sử ký toàn thư). Chiến thắng Bạch Đằng đã thể hiện tài năng quân sự và ý chí quyết thắng của người anh hùng dân tộc Ngô Quyền; đồng thời cũng là thành quả của cuộc kháng chiến anh dũng và đầy sáng tạo của nhân dân ta sau hơn 30 năm làm chủ đất nước Thắng lợi ấy nói lên sự lớn mạnh của nhân dân ta về trí tuệ và khả năng đánh bại kẻ địch không những chỉ bằng du kích mà cả bằng chính quy, không những chỉ ở trên bộ mà cả bằng thủy chiến. Chiến thắng Bạch Đằng là một ví dụ điển hình về tinh thần mưu trí và có tính toán một cách chính xác trong nghệ thuật chiến dịch của lịch sử chiến đấu chống ngoại xâm của dân tộc ta. Nó đã khẳng định quyền làm chủ của nhân dân ta trên vùng đất của tổ tiên thời Văn Lang - Âu Lạc và tạo thêm một niềm tin, một niềm tự hào sâu sắc lên bước đường xây dựng đất nước độc lập, tự chủ sau này.

Nhà sử học Ngô Thì Sĩ (thế kỷ XVIII) đã đánh giá đúng vị trí và ý nghĩa lịch sử của chiến thắng Bạch Đằng khi viết: "Trận thắng lợi trên sông Bạch Đằng và cơ sở sau này cho việc phục lại Quốc thống. Những chiến công các đời Đinh, Lê, Lý, Trần vẫn còn nhờ vào cái uy lẫm liệt để lại ấy." "Trận Bạch Đằng này là vũ công cao cả, vang dội đến nghìn thu, há phải chỉ lừng lẫy ở một thời bấy giờ mà thôi đâu” (Ngô Thì Sĩ, Việt sử tiêu án).

Chiến thắng oanh liệt của quân dân ta dưới sự lãnh đạo của người anh hùng dân tộc Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng đã kết thúc hoàn toàn thời kỳ mất nước kéo dài hơn nghìn năm, dân tộc ta đã giành lại được quyền làm chủ đất nước. Một thời kỳ độc lập lâu dài của dân tộc bắt đầu.

Hiện nay, không những ở Đường Lâm (huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây), quê hương của Ngô Quyền mà tại thành phố Hải Phòng (bên cạnh dòng sông Bạch Đằng lịch sử) cũng có những ngôi đền và đình nhờ Ngô Quyền. Ngôi đình tráng lệ được người trong nước và khách quốc tế đặc biệt ngưỡng mộ là Đình Hàng Kênh (xây dựng năm 1718) trong đó còn đôi câu đối lớn với dòng chữ Nho:

Vương nghiệp khởi Loa Thành, trường biên thanh sử;

Chiến công lưu Đằng thủy, cộng mộc hồng ân.

Nghĩa là:

Vương nghiệp bắt đầu từ Loa Thành, con ghi chép dài lâu trong sử xanh;

Chiến công lưu lại trên sông Đằng, (trong đó) có ân phúc của loài cây.
Bối cảnh lịch sử

Năm 923, Ngô Quyền đã nhận lời mời về làm nha tướng cho Dương Đình Nghệ và Dương Đình Nghệ đã gửi gắm nhiều hy vọng ở người hào trưởng trẻ tuổi này. Ông gả con gái cho Ngô Quyền và giao cho Ngô Quyền cùng hơn 3.000 quân ngày đêm tập luyện võ nghệ, xây dựng lực lượng. Năm 931, Dương Đình Nghệ cử Ngô Quyền làm tướng tiên phong cùng ông tiến ra Giao Châu đánh đuổi quân Nam Hán và tổ chức phòng thủ thành Đại La. Sau chiến thắng, Dương Đình Nghệ lên nắm chính quyền, Ngô Quyền được Dương Đình Nghệ giao cho trấn giữ vùng Châu Ái.

Đầu năm 937, Dương Đình Nghệ bị Kiều Công Tiễn ám hại để đoạt chức Tiết độ sứ. Đến tháng 10 năm 938, Ngô Quyền từ vùng Châu Ái đem quân ra đánh Kiều Công Tiễn. Kiều Công Tiễn tự thấy thế cô, lực yếu đã cho người chạy sang cầu cứu nhà Nam Hán. Lưu Cung lập tức điều động một lực lượng binh thuyền lớn, giao cho con là Vạn Vương Hoằng Tháo làm Tĩnh hải quân Tiết độ sứ thống lĩnh đại quân tiến đánh Giao Châu. Theo kế hoạch, ở trong nước, Kiều Công Tiễn cố gắng tìm mọi cách cố thủ ở thành Đại La chờ quân Nam Hán vào, rồi từ trong đánh ra, phối hợp với quân xâm lược từ ngoài đánh vào, nhanh chóng tiêu diệt toàn bộ lực lượng kháng chiến.

Không thể vừa đánh thù trong, vừa dẹp giặc ngoài. Nhân thời cơ Nam Hán đang điều quân, Ngô Quyền đã cho đạo quân do Dương Tam Kha- con Dương Đình Nghệ và Ngô Xương Ngập con trưởng của Ngô Quyền gấp rút đem quân tiến đánh thành Đại La. Đao quân đã nhanh chóng công thành Đại La, giết chết Kiều Công Tiễn trước khi quân Nam Hán kịp tiến vào.

Chiến thắng Bạch Đằng

Dẹp xong nội loạn, Ngô Quyền vào thành họp bàn với các tướng lĩnh về kế hoạch chống ngoại xâm. Thành Đại La trở thành trung tâm đầu não của cuộc kháng chiến chống quân Nam Hán lần thứ hai. Hào kiệt bốn phương đem quân hội tụ về Đại La dưới cờ đại nghĩa của người anh hùng dân tộc Ngô Quyền.
Tại đây, một kế hoạch chiến đấu mưu trí và chắc thắng đã được Ngô Quyền và các tướng lĩnh bàn định và thông qua. Trong một cuộc họp bàn, với lòng tự tin và làm chủ tình thế, Ngô Quyền đề ra ý kiến như sau:

"Hoằng Thao là một đứa trẻ, lại đem quân từ xa đến, quân lính mệt mỏi, lại nghe Kiều Công Tiễn đã chết, không có người làm nội ứng đã mất vía trước rồi. Quân ta sức còn mạnh, địch với quân mỏi mệt tất phá được. Song giặc có lợi về thuyền chiến, nếu ta không phòng bị trước thì chuyện được thua chưa thể biết được. Nhưng ta sẽ cho người đem theo cọc lớn đóng ngầm ở cửa biển trước, vạt đầu nhọn bịt sắt, thuyền của chúng nhân khi nước thuỷ triều lên tiến vào bên trong hàng cọc, bây giờ ta sẽ dễ bề chế ngự, không kế gì hay hơn kế ấy cả".

Sông Bạch Đằng là cửa ngõ phía đông bắc và là giao thông quan trọng từ biển Đông vào đất Việt. Theo cửa Nam Triệu vào Bạch Đằng, địch có thể ngược lên và tiến đến thành Cổ Loa hoặc thành Đại La hoàn toàn bằng đường sông. Sông Bạch Đằng chảy qua một vùng núi non hiểm trở, có nhiều nhánh sông phụ đổ vào. Hạ lưu sông thấp, chịu ảnh hưởng của nước triều khá mạnh.

Theo kế hoạch của Ngô Quyền, quân và dân ta lặn lội mưa rét, ngày đêm vận chuyển gỗ, dựng cọc. Hàng nghìn cây gỗ lim, sến, đầu được vạt nhọn và bịt sắt được đem về đây cắm xuống hai bên bờ sông (quãng cửa Nam Triệu hiện nay) thành những hàng dài chắc chắn, đầu cọc hướng chếch về phía nguồn.
Cuối tháng 12 năm 938, đoàn binh thuyền của quân Nam Hán do Hoằng Tháo chỉ huy từ Quảng Đông vượt biển sang xâm lược nước ta. Hoằng Tháo còn trẻ, chưa có kinh nghiệm đánh trận, tính tình hung hăng và rất chủ quan đã kéo đoàn binh thuyền tiến thẳng về phía cửa biển Bạch Đằng. Cùng lúc đó, cánh quân do Lưu Cung chỉ huy cũng áp sát biên giới nước ta và đóng tại trấn Hải Môn (huyện Bác Bạch, Quảng Đông, Trung Quốc).

Theo Đại Việt sử ký toàn thư “ khi nước triều lên, Quyền sai người đem thuyền nhẹ ra khiêu chiến, giả thua chạy để dụ địch đuổi theo. Hoằng Tháo quả nhiên tiến quân vào. Khi binh thuyền đã vào trong vùng cắm cọc, nước triều rút, cọc nhô lên, Quyền bèn tiến quân ra đánh, ai nấy đều liều chết chiến đấu".

Đầu tiên, quân ta cho thuyền nhỏ ra khiêu chiến rồi vờ thua dụ địch đi sâu vào trong cửa biển, qua bãi cọc. Đến khi thủy triều rút Ngô Quyền mới ra lệnh cho đoàn thuyền cùng toàn bộ quân phục kích ở hai bên bờ xông lên đánh trả quyết liệt. Quân Nam Hán bị tập kích bất ngờ từ tứ phía: trước mặt, sau lưng, dưới nước, trên bờ không kịp trở tay. Số lớn thuyền chiến của địch đã bị cọc bịt sắt đâm thủng, bị va vào nhau mà chìm đắm. Chủ tướng giặc là Hoằng Tháo bị quân ta bắt sống và giết tại trận.

Cuộc chiến với quân Nam Hán diễn ra và kết thúc trong 1 ngày, từ lúc thủy triều lên đến khi thủy triều xuống.

Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 có ý nghĩa vô cùng to lớn. Đây được coi là cột mốc quan trọng trong tiến trình lịch sử Việt Nam. Chiến thắng đã giúp phá bỏ nền thống trị hơn 1.000 năm của phong kiến phương Bắc, mở ra thời kỳ độc lập thực sự và lâu dài của dân tộc ta.

Mùa xuân năm Kỷ Hợi (939), Ngô Quyền quyết định bỏ chức Tiết độ sứ, tự xưng vương lấy hiệu là Ngô Vương Quyền, thành lập một vương quốc độc lập. Chọn kinh đô cũ của Âu Lạc là Cổ Loa làm kinh đô nước Việt để tỏ ý nối tiếp truyền thống của các vua Hùng, vua Thục.

Chia sẻ bài viết này

Related Posts

Previous
Next Post »